Nguyên Lý Tảng Băng Trôi Là Gì?
Nguyên lý tảng băng trôi, hay nguyên lý của sự bỏ sót là kỹ thuật viết văn do Ernest Hemingway sáng tạo ra. Đặc trưng của nó là sự kiệm lời và tính khúc chiết trong câu chữ, tránh những chi tiết rườm rà, tập trung vào những yếu tố bề mặt — qua đó để người đọc tự khai thác từng tầng lớp ý nghĩa ẩn giấu bên dưới.
Nguồn Gốc Của Nguyên Lý Tảng Băng Trôi
Vốn xuất thân từ nghề báo, Hemingway đã lĩnh hội một bài học quan trọng: sự thật thường ẩn giấu dưới bề mặt của một câu chuyện.
Hemingway ẩn ý rằng thứ mà các phóng viên, nhà báo cung cấp cho bạn thực chất chỉ là bề nổi của “tảng băng trôi”. Phía dưới mặt nước kia là nạn tham nhũng, những mưu hèn kế bẩn, những câu chuyện được giấu nhẹm đi.
The Kansas City là tòa soạn báo đầu tiên nơi Hemingway tới làm việc vào năm 18 tuổi. Tại đây, Hemingway được học cách tường thuật tập trung vào những sự kiện bề mặt mà không quá sa đà vào các chi tiết nhỏ, qua đó để người đọc tự suy đoán. Nếu bạn thường xuyên đọc báo thì sẽ khá rõ điều này: các nhà báo thường chỉ tóm tắt tổng quan những ý chính chứ hiếm khi đi sâu vào thảo luận tường tận vấn đề.
Khi trở thành nhà văn viết truyện ngắn, Hemingway vẫn trung thành với phong cách tối giản này: chỉ tập trung vào các yếu tố bề mặt mà không thảo luận rõ ràng về các chủ đề cơ bản.
Ông đã dành nhiều năm trời để củng cố lý thuyết, và so sánh nó với một tảng băng trôi (chỉ một phần nhỏ tảng băng nổi trên mặt nước là thứ người ta có thể nhìn thấy).
Chính vì vậy, Hemingway đã đặt tên cho lý thuyết của mình là Nguyên lý tảng băng trôi.
Giải Thích Nguyên Lý Tảng Băng Trôi
Theo Hemingway, ý nghĩa sâu sắc của một câu chuyện không nên được thể hiện rõ trên bề mặt, mà nên tỏa sáng ngấm ngầm. Nói đơn giản, Hemingway sẽ không nói huỵch toẹt mọi điều ông biết, qua đó để độc giả tự liên tưởng và nhìn nhận câu chuyện bằng con mắt của riêng họ.
“Nếu nhà văn biết rõ về những gì anh ta đang viết, anh ta có thể bỏ qua những điều anh ta biết và độc giả, nếu người viết thực sự viết đủ, sẽ có cảm giác về những điều đó mạnh mẽ như thể nhà văn đã viết nó ra. Sự kỳ vĩ của tảng băng trôi là ở chỗ chỉ một phần tám của nó ở trên mặt nước. Nhưng một nhà văn bỏ qua những điều mà anh ta không biết thì lại chỉ tạo ra những lỗ hổng trong tác phẩm của anh ta.”
— Death in the Afternoon (1932)
Trong một bài luận với tiêu đề The Author at Work được xuất bản vào năm 2013, tác giả Jenna Blum đã giải thích làm thế nào mà tính khúc chiết lại có thể gia tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện:
“Hemingway nói rằng chỉ phần nổi của tảng băng được thể hiện trong tiểu thuyết — người đọc sẽ chỉ thấy những gì ở trên mặt nước — nhưng kiến thức mà bạn có về nhân vật của mình, những thứ không bao giờ lọt vào câu chuyện, đóng vai trò là phần lớn của tảng băng. Và đó là những gì mang lại sức nặng và sức hấp dẫn cho câu chuyện của bạn.”
Carlos Baker, người viết tiểu sử của Hemingway, tin rằng với tư cách một nhà văn viết truyện ngắn, Hemingway đã học được “cách tận dụng tối đa, cách cắt tỉa ngôn ngữ và tránh chi tiết rườm rà, cách nhân lên cường độ và cách không nói gì ngoài sự thật để được phép nói nhiều hơn sự thật.”
“Nếu bạn bỏ qua những điều quan trọng hoặc sự kiện mà bạn biết, câu chuyện được củng cố. Nếu bạn bỏ qua một cái gì đó vì bạn không biết về nó, câu chuyện sẽ trở nên vô giá trị.”
— Ernest Hemingway
Nguyên lý tảng băng trôi giúp tạo nên mạch ngầm trong văn bản, tạo nên liên kết chặt chẽ giữa những gì tác giả muốn truyền tải và những gì tác phẩm thể hiện. Vì vậy để hiểu được ý nghĩa của câu chuyện, đòi hỏi từ người đọc một sự đồng sáng tạo tích cực.
Chuyện được phản ánh trong tác phẩm là chuyện của nhân vật. Các chi tiết, tình tiết phát triển theo nội tại khách quan của nhân vật. Nhà văn không còn là người hiểu biết tường tận mọi ngóc ngách tâm lí, hành động của đối tượng được miêu tả để chi phối, dẫn dắt họ theo chủ đích đã định trước.
Khi hòa mình trong những câu chuyện của Hemingway, người đọc có thể dựa vào những kiến thức, trải nghiệm cá nhân để tiếp tục viết tiếp câu chuyện hay rút ra bài học cho riêng mình. Vì vậy, cùng một câu chuyện nhưng mỗi người sẽ khám phá được những tầng bậc sâu sắc khác nhau.
>>> 6 Lời Khuyên Cho Các Cây Viết Từ Nhà Văn Ernest Hemingway
Ví Dụ Về Nguyên Lý Tảng Băng Trôi Trong Viết Lách
Nguyên lý tảng băng trôi gắn liền với phong cách viết ngắn gọn đặc trưng của Hemingway. Các tác phẩm của ông, đặc biệt là những cuốn được xuất bản vào giai đoạn sau sự nghiệp, đều ít nhiều thấp thoáng bóng dáng của lý thuyết này.
Trong đó, nếu để lấy ra làm ví dụ, sẽ không có một tác phẩm nào phù hợp hơn truyện ngắn Ông già và biển cả — đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Hemingway.
Nhà văn Macket từng nhận xét như sau: “Những gì mà Hemingway viết trong khoảng 100 trang sách đó, những nhà văn khác có thể biến nó thành một cuốn tiểu thuyết dày đến hàng nghìn trang.”
Đây thực chất là một lời khen. Bất kỳ cây viết có kinh nghiệm nào cũng hiểu, viết ngắn thì khó hơn viết dài, nếu không muốn nói là khó hơn rất nhiều.
Chuyện kể là có một bà mẹ gửi một lá thư rặt ba mặt chữ cho con trai ngoài chiến trận, cuối thư có đề tái bút như sau: “John yêu dấu, hãy tha thứ cho mẹ vì không có đủ thời gian để viết cho con một lá thư ngắn gọn hơn.”
Giờ thì hãy cùng nhau phân tích đoạn kết của truyện ngắn Ông già và biển cả. Theo Lê Huy Bắc, có đến 3 cách hiểu về cái kết tưởng chừng đơn giản của tác phẩm này.
Thứ nhất, theo triết lý về cái bi đát của các nhà văn hiện đại, Hemingway dường như muốn khẳng định rằng cuộc đời là một hành trình mệt nhọc và sẽ chẳng bao giờ tới đích. Ông lão dù đánh bại con cá kiếm nhưng khi vào được tới bờ, “chiến lợi phẩm” chỉ còn lại một bộ xương.
Thành quả của ông lão có thể không được người khác nhìn nhận và tưởng thưởng xứng đáng, nhưng chính ông lão và cậu bé, hơn ai hết, là người hiểu rõ giá trị của bộ xương ấy. Ông lão chiến thắng con cá kiếm và lũ cá mập vây, nhưng lại thất bại trong việc đưa con cá toàn thây vào được tới bờ. Như vậy, vinh quang trong thất bại và thất bại trong vinh quang.
Thứ hai, theo cái nhìn tiến bộ của các nhà phê bình Mác Xít, và cũng là lời giải thích được chấp nhận nhiều nhất, đây là câu chuyện về cuộc chiến của con người chống lại số phận. Như chính tên tác phẩm — Ông già và biển cả, tầm vóc của thiên truyện nằm ở việc đặt con người trong một trận chiến không cân sức với biển cả hung dữ và cuối cùng, con người nhỏ bé kia đã giành chiến thắng.
“Con người sinh ra không phải để thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị khuất phục.”
— Ernest Hemingway
Thứ ba, theo Phong Lê đánh giá, chúng ta còn có thể hiểu Ông già và biển cả còn là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội mục nát lúc bấy giờ. Ông lão đại diện cho người lao động vất vả, khổ cực còn con cá kiếm là thành quả lao động nhưng lại bị bọn cá mập vây cướp mất — ý nói các ông chủ tư bản chuyên bóc lột dân đen.
>>> 11 Bài Học Viết Lách Từ Ernest Hemingway