Lực ma sát là các lực cản trở chuyển động của một vật, tạo ra bởi những vật tiếp xúc với nó.
Có mấy loại lực ma sát?
Có ba loại lực ma sát:
a) Lực ma sát trượt
- Lực ma sát trượt sinh ra khi một vật trượt trên bề mặt của vật khác.
- Lực ma sát trượt luôn ngược hướng chuyển động.
Ví dụ: Ở vĩ cầm (đàn violon), khi cọ xát cần kéo trên dây đàn thì giữa chúng xuất hiện lực ma sát trượt làm dây đàn dao động và phát ra âm thanh.
b) Lực ma sát lăn
- Lực ma sát lăn sinh ra khi một vật lăn trên bề mặt của vật khác.
- Lực ma sát lăn thường rất nhỏ so với lực ma sát trượt.
Ví dụ: Lực ma sát lăn làm cản trở chuyển động của các vật lăn trên mặt phẳng như bánh xe đạp.
c) Lực ma sát nghỉ
- Lực ma sát nghỉ giữ cho vật không trượt khi bị tác dụng của lực khác.
- Lực ma sát nghỉ có đặc điểm:
- Cường độ (độ lớn) thay đổi tùy theo lực tác dụng lên vật có xu hướng làm cho vật thay đổi chuyển động.
- Luôn có tác dụng giữ vật ở trạng thái cân bằng khi có lực tác dụng lên vật.
Ví dụ: Lực ma sát nghỉ giữ cho thùng hàng không bị trượt xuống khỏi xe.
Chú ý:
- Nếu vật đứng yên mà chịu tác dụng của các lực cân bằng thì không có lực ma sát nghỉ.
- Nếu vật đứng yên mà chịu tác dụng của các lực không cân bằng thì có lực ma sát nghỉ.
So sánh lực ma sát trượt và ma sát lăn
Giống nhau: Đều có tác dụng cản trở chuyển động của vật.
Khác nhau:
Ma sát trượt
Ma sát lăn
Xuất hiện khi
Vật trượt trên bề mặt vật khác.
Vật lăn trên bề mặt vật khác.
Cường độ
Cường độ lớn hơn cường độ lực ma sát lăn nhưng nhỏ hơn cường độ lực ma sát nghỉ.
Cường độ nhỏ hơn cường độ lực ma sát trượt và cường độ lực ma sát nghỉ.
Tác dụng của lực ma sát trong đời sống? Cho ví dụ
- Nhờ có lực ma sát nghỉ mà các vật được giữ cố định trong không gian.
Ví dụ: Đinh được giữ trên tường, vít và ốc bắt được với nhau không bị tuột ra, con người cầm nắm được các vật, xe cộ di chuyển trên đường, …
- Nhờ có lực ma sát lăn hay ma sát trượt mà các vật khi lăn hoặc trượt sẽ dừng lại.
Ví dụ: Phanh xe đạp, ô tô, xe máy giúp xe dừng lại
- Nhờ ma sát trượt mà người ta tạo ra diêm quẹt
- Lực ma sát giữa các vật sinh nhiệt.
Ví dụ: Người thổ dân sử dụng lực ma sát trượt để nhóm lửa từ xa xưa.
Ví dụ: Vào mùa đông, xoa hai bàn tay vào nhau giúp tay ta ấm lên.