Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, hiệu Nhị Khê, nhà thơ xuất sắc cuối Trần đầu Hồ, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) dưới triều Trần, ra làm quan dưới triều Hồ và đổi tên là Nguyễn Phi Khanh.
Mẹ của Nguyễn Trãi là Trần Thị Thái, con của Trần Nguyên Đán và là một học trò của Nguyễn Ứng Long.
Ông ngoại của Nguyễn Trãi là Trần Nguyên Đán, hiệu Băng Hồ, dòng dõi tôn thất, nhà thơ và nhà chính trị nổi tiếng, làm tới chúc Tư đồ (Tể tướng) cuối đời Trần.
Nguyễn Trãi đã sống qua tuổi thơ trong gia đình ông ngoại. Năm |385, Trần Nguyên Đán về nghỉ hưu ở Côn Sơn, đem cả con gái và cháu ngoại về theo. Được ít lâu, Trần Thị Thái qua đời, khi đó bà chưa đầy 40 tuổi và Nguyễn Trãi lúc đó mới lên 5. Rồi đến năm 1390, Trần Nguyên Đán cũng mất, Nguyễn Trãi phải trở lại nơi quê hương nghèo khó là làng Nhị Khê để sống cùng cha.
Từ nhỏ được nuôi dạy trong nhà ông ngoại, lớn lên lại được theo học với cha, cả cha và ông ngoại đều là những nhà Nho uyên bác, Nguyễn Trãi hồi trẻ đã nổi tiếng học giỏi.
Nguyễn Trãi ra đời và lớn lên giữa lúc đất nước rối ren về chính trị và xã hội. Nhà Trần trong thời kỳ suy thoái, ngày một mục nát. Nhân dân điêu đứng, lầm than. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nô tỳ và nông dân nghèo nổ ra liên tiếp. Nhân hoàn cảnh đó, năm 1400 Hồ Quý Ly cướp ngôi vua, lật đổ nhà Trần và lập ra nhà Hồ, đổi tên nước là Đại Ngu. Lúc này Nguyễn Trãi đã 20 tuổi, ông thi đỗ Thái học sinh, khoa thi đầu tiên dưới triều Hồ (1400). Năm 1401, ông được bổ dụng chức Ngự sử đài chánh chưởng. Cùng năm này, Nguyễn Phi Khanh cha ông cũng ra làm quan, nhận chức Hàn lâm học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Nhà Hồ cầm quyền chưa được bao lâu đã phải đương đầu với họa xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Tháng 11 năm 1406, đội quân xâm lược của nhà Minh ồ ạt kéo vào. Mặc dù đã có sự chuẩn bị đối phó và không phải không có ý chí chống giặc, song nhà Hồ không chiếm được lòng dân, không huy động được sức mạnh toàn dân chống giặc nên chỉ sau nửa năm, cuộc kháng chiến nhà Hồ đã bị thất bại. Cha con Hồ Quý Ly cùng nhiều quan chức trong triều bị sa vào tay giặc. Nguyễn Phi Khanh cũng bị giặc bắt và đày đi Trung Quốc.
Theo bước chân tù đày của cha đến ải Nam Quan, Nguyễn Trãi muốn đi tiếp để phụng dưỡng cha dọc đường, nhưng người cha khuyên con hãy quay về “tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Không may trên đường về, Nguyễn Trãi lại bị giặc bắt và bị giam lỏng tại thành Đông Quan. Tại đây ông phải tạm thời im hơi lặng tiếng để che mắt địch, tuy nhiên vẫn chăm chú theo dõi thời cuộc, nát óc suy tính kế hoạch cứu dân, cứu nước.
Sau khi tìm cách ra khỏi Đông Quan, ông đã trải qua nhiều năm phiêu bạt, qua rất nhiều vùng đất quê hương đã trở nên tiêu điều xơ xác trong hoàn cảnh nước mất nhà tan. Ông thấu hiểu những nỗi cơ cực khốn cùng của nhân dân, chứng kiến những tội ác tầy trời của lũ giặc xâm lăng. Cuối cùng, vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả, ông tìm đến được Lam Sơn, kịp có mặt tại hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức vào năm 1416 để chuẩn bị khởi nghĩa.
Sự nghiệp vinh quang bắt đầu tư đây để đưa ông lên đỉnh cao của thời đại. Ông dâng lên Lê Lợi tập Bình Ngô sách trong đó vạch rõ những đường lối, phương châm cơ bản của cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập. Ông trở thành nhà tham mưu chiến lược đầy tài năng, giàu nhiệt huyết, giúp Lê Lợi trù tính mọi việc, cùng Lê Lợi và tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn đưa cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng phát triển ngày càng mạnh mẽ, vững chắc.
Tư tưởng chi phối toàn bộ hoạt động của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi nói: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm đầu”, mà theo Nguyễn Trãi thì yêu cầu đầu tiên của nhân nghĩa là yêu dân, thương dân và giúp dân trừ bạo.
Việc nhân nghĩa cốt ở yân dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Và con đường đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi, chính là con đường:
Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Nguyễn Trãi có ý thức rất sâu sắc về sức mạnh to lớn và vai trò quyết định của nhân dân trong lịch sử. Sức mạnh của nhân dân như sức mạnh của nước. Nước có thể đẩy thuyền đi, nhưng cũng có thể lật đổ thuyền. Con đường cứu nhân dân chính là con đường nhân dân tự cứu mình, bằng chính sức mạnh của mình. Bởi vậy Lê Lợi và Nguyễn Trãi luôn luôn nhất quán chủ trương dựa vào dân để đánh giặc.
Giương cao ngọn cờ nhân nghĩa và chiến tranh chính nghĩa, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tập hợp được đông đảo quần chúng lao khổ trong toàn quốc quy tụ lại, gắn bó mật thiết với nhau để cùng giết giặc, cứu nước.
Dựng gậy làm cờ, tụ hợp bốn phương manh lệ,
Rượu hòa nước lã, dưới trên một dạ cha con.
Chính vì vậy mà suốt quá trình kháng chiến, lực lượng nghĩa quân phát triển không ngừng. Quân tiến tới đâu, dân chúng nô nức đứng lên hưởng ứng tới đấy. Quân dân đoàn kết. Trên dưới một lòng. Càng đánh càng thắng.
Luôn đứng ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu, Nguyễn Trãi từng tham gia trực tiếp chỉ đạo nghĩa quân phá trận, diệt viện, vây thành. Đặc biệt trên mặt trận đấu tranh chính trị - ngoại giao - địch vận mà ông đặc trách, ông đề ra và trực tiếp thực hiện kế hoạch “tâm công” một cách sáng tạo, linh hoạt và rất hiệu nghiệm. “Mưu đánh vào lòng, không chiến mà thắng”, ông thay Lê Lợi viết nhiều thư từ gửi bọn chỉ huy quân Minh, nhằm những đối tượng cụ thể và thời điểm cụ thể mà có đối sách khác nhau. Ông nêu cao chính nghĩa tất thắng của quân dân ta, phân tích bản chất phi nghĩa và nguy cơ bại vong của quân giặc, vạch mặt gian tham, tàn bạo, ngoan cố của chúng, đồng thời chỉ đường sống, mở lối thoát cho chúng. Nhiều bức thư này được các học giả đời sau gom lại dưới cái tên Quân trung từ mệnh tập, một tập thư luận chiến sắc sảo mà có người cho là “có sức mạnh của 10 vạn quân” (Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí).
Nguyễn Trãi còn đích thân đi dụ hàng một số thành. Ông thuyết phục được nhiều tướng giặc ra hàng, trong đó có Thái Phúc, Đô đốc trấn thủ thành Nghệ An, về sau đã giúp nghĩa quân trong việc binh vận. Có lần Nguyễn Trãi đã cùng Thái Phúc đứng dưới chân thành bắc loa kêu gọi bọn chỉ huy ngoan cố ở thành Xương Giang. Khi quân ta, với lực lượng áp đảo, vây hãm thành Đông Quan, sào huyệt lớn của giặc, thì Nguyễn Trãi đã 5 lần đến thương thuyết với Tổng binh Vương Thông, dụ hắn ra hàng. Kết quả là vào ngày 10-12-1427, tại hội thề Đông Quan, Vương Thông với 10 vạn bại quân phải làm lễ cúi đầu nhận tội, xin được khoan hồng và xin thề trước sông núi nước Nam là không chỉ rút nhanh, rút hết mà còn thề sẽ không bao giờ quay trở lại.
Khi đất nước đã sạch bóng quân thù, Nguyễn Trãi vinh dự thừa lệnh Lê Lợi viết bản Bình Ngô đại cáo bất hủ. Ông viết bằng cả tâm huyết, tài năng, trí tuệ của mình. Ông viết trong không khí hào hùng của dân tộc chiến thắng, trong khung cảnh hùng tráng của “giang sơn từ nay đổi mới”. Bình Ngô đại cáo được người đời ghi nhận là bản “tuyên ngôn độc lập thứ hai”, là một áng “thiên cổ hùng văn” là bản tổng kết tuyệt vời về lịch sử dân tộc và lịch sử kháng chiến chống Minh. Qua Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nâng cao chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo và niềm tự hào dân tộc, vừa phản ánh sự nghiệp lẫy lừng của Lê Lợi và nghĩa quân, vừa thể hiện tâm hồn khí phách của dân tộc Việt Nam.
Đất nước hồi sinh trong độc lập và thanh bình. Công cuộc xây dựng đất nước có điều kiện tiến triển thuận lợi. Bao năm mong đợi, Nguyễn Trãi đã tưởng nay là lúc có thể mang hết tâm huyết và tài năng làm cho đất nước được phồn vinh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Song tình thế đã diễn ra không như ông mong muốn. Chế độ phong kiến quan liêu được ổn định và củng cố thì nó cũng ngày càng bộc lộ những mặt tiêu cực với những mâu thuẫn không thể giải quyết.
Nghe những lời xiểm nịnh và cũng vì lo bảo vệ vương nghiệp của mình, Lê Thái Tổ đã giết hai khai quốc công thần là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Gần thời điểm này, Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và bị bắt giam một thời gian.
Từ ngày được tha, Nguyễn Trãi vẫn không được tin dùng. Mặc dù trước đó ông đã được ban họ vua, được phong tước Quan Phục hầu và giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Lại bộ Thượng thư... song chức thì cao mà quyền lại không trọng. Ông không thể thi thố tài năng và phải chịu bó tay trước mọi điều ngang tai chướng mắt. Tình hình đó ngày càng xấu đi đối với ông, nhất là từ khi Lê Thái Tổ mất (1433), Lê Thái Tông kế ngôi mới hơn 10 tuổi, nhân đó bọn gian thần chấp chính càng được thể lộng hành.
Đã bao lần, ông kiến nghị với vua những kế sách giúp dân, dựng nước nhưng chẳng được vua nghe theo.
Ông muốn triều đình không nên quá nặng nề sưu thuế và trừng phạt mà chỉ nên chăm lo sao cho dân được làm ăn và học hành tốt hơn.
Trước cảnh đói khổ của nhân dân, đã có lúc ông nổi giận bảo vào mặt bọn triều thần: “Sở dĩ có tai nạn ấy, chính là tự lũ các ông. Các ông chỉ là đồ thích sưu cao thuế nặng, vơ vét của dân cho nhiều”.
Về mặt hình phạt, ông không đồng ý một lúc chém bảy tên ăn trộm. Theo ông, nhà vua phải lấy nhân nghĩa làm chính, xây dựng pháp luật và chế độ trên cơ sở tình thương yêu nhân dân.
Một lần ông được vua giao việc soạn nhạc cung đình cùng với Lương Đăng. Lúc đầu ông gắng sức làm, nhưng càng về sau thì giữa hai người càng có những ý kiến bất đồng. Lương Đăng soạn nhạc, thường chỉ hoàn toàn mô phỏng theo nhạc của triều Minh. Còn ông, khi dâng biểu về khánh đá, ông đã nói lên được phần nào quan điểm của mình đối với âm nhạc: “Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, khiến cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận, than sầu, đó là không mất cái gốc của nhạc vậy!”.
Cuối những năm 30 thế kỷ XV, triều đình ngày càng thối nát với sự tranh giành ngày càng dữ dội giữa các phe phái. Những thủ đoạn nham hiểm nhất đã được sử dụng để hãm hại lẫn nhau. Ông cảm thấy ghê sợ trước sự dối trá và độc ác của những con người mà lòng dạ “khó hiểu hơn vực sâu”, miệng nói “sắc nhọn hơn chông mác”.
Cuối cùng, để thoả mãn nguyện vọng cáo quan của ông, và cũng để gạt ông ra khỏi việc nước, triều đình đã thuận cho ông về nghỉ tại Côn Sơn. Ông như người trút được gánh nặng. Từ đây không ai quấy rầy ông nữa: “Trúc có nghìn cây để ngăn khách tục. Bụi không nửa điểm bợn đến căn nhà trên núi”. Tưởng chừng ông rất thanh thản với cuộc sống thanh cao không vướng bận bụi đời, nhưng sâu thẳm trong ông vẫn là “tấc lòng ưu ái” không bao giờ nguôi trước cuộc sống thực tế đang diễn biến phức tạp trên đất nước yêu quý của mình.
Bụi một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
Vào năm 1439, Lê Thái Tông bấy giờ đã lớn khôn, có ý thức củng cố lại triều đình. Nhà vua xuống chiếu mời Nguyễn Trãi ra nhận lại mọi chức tước cũ, lại phong thêm chức Môn hạ sảnh tả ty Gián nghị đại phu kiêm Tri tam quán sự, Đề cử chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, đặc trách trông coi hai đạo Đông và Bắc. Đầu năm Nhâm Tuất (1442), với danh nghĩa Thừa chỉ Viện Hàn lâm kiêm Quốc Tử Giám, ông được chỉ định vào ban giám khảo khoa thi Tiến sĩ đầu tiên dưới thời Lê Thái Tông.
Thực hành những việc được giao, khi ở trong triều, khi đến với quân dân hai đạo, Nguyễn Trãi đã có được một quãng thời gian làm việc với tâm trạng thoải mái hơn. Nhưng chẳng được bao lâu thì tai họa bỗng dưng ập đến. Lê Thái Tông đi duyệt võ ở Phả Lại, Chí Linh, có ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, khi về có Nguyễn Thị Lộ vợ Nguyễn Trãi đi theo xa giá, ngày 7 - 9 - 1442 đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Vua ngủ lại và mất đột ngột trong đêm hôm đó.
Triều đình lập tức vu cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ âm mưu giết vua. Với bản án tru di tam tộc, chỉ 12 ngày sau đó, ngày 19 - 9 - 1442, cả gia đình Nguyễn Trãi đã bị sát hại. Riêng người vợ lẽ là bà Phạm Thị Mẫn may trốn thoát khi đang có mang, sau sinh ra Nguyễn Anh Vũ.
Cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi là một bản cáo trạng đối với chế độ quân chủ chuyên chế triều Lê, là hậu quả tất yếu và đầy nghịch lý mà một con người “nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá” (Phạm Văn Đồng), phải hứng chịu trong hoàn cảnh đối mặt với những cuộc tranh giành ngôi thứ, bè phái, hãm hại nhau giữa một lũ gian thần nhỏ nhen, độc ác.
Mãi 22 năm sau khi ông qua đời, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho ông, truy phong chức Đặc tiền kim tử vinh lộc đại phu, tước Tán Trù bá, bổ dụng Nguyễn Anh Vũ con trai ông làm Tri huyện và cấp 100 mẫu ruộng dùng vào việc thờ cúng ông. “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai ngời sáng tựa sao Khuê). Nhà vua anh minh đã phát biểu về Nguyễn Trãi như vậy. Năm 1467, nhà vua còn xuống chiếu cho Trần Khắc Kiệm tìm lại các tác phẩm của Nguyễn Trãi. Đến năm 1480, Dương Bá Cung mới hoàn thành sưu tập và đề tựa bộ sách Ức Trai di tập (7 quyển, cả chữ Hán và Nôm).
Nguyễn Trãi không còn nữa, nhưng tinh thần và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi với non sông đất nước và mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của mỗi người Việt Nam.
Ông là người anh hùng vĩ đại trọn đời chiến đấu hy sinh cho dân tộc, nhà chiến lược thiên tài mà công lao to lớn đã góp phần quyết định trong cuộc đánh thắng quân Minh, giải phóng đất nước.
Ông là nhà văn nhà thơ lỗi lạc đã để lại một di sản lớn về văn học với nhiều kiệt tác. Ngoài những tác phẩm nhằm trực tiếp phục vụ cuộc chiến đấu giành độc lập mà tiêu biểu là Quân trung từ mệnh và Bình Ngô đại cáo, ông còn viết Phú núi Chí Linh và Văn bia Vĩnh Lăng nêu bật công tích của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, viết Dư địa chí, cuốn địa lý học lịch sử đầu tiên của nước ta, v.v... Ông sáng tác hàng trăm bài thơ chữ Hán, hàng trăm bài thơ chữ Nôm, về sau được sưu tập thành hai cuốn Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập.
Ông là nhà trí thức uyên bác, tài đức vẹn toàn. Là nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới làm rạng rỡ non sông đất nước.
Ông là tinh hoa dân tộc, tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Ông vươn tới đỉnh cao nhất trong phạm vi thời đại của ông, làm đầy đủ nhất những việc mà người trí thức trong hoàn cảnh của ông có thể làm. Ông hoàn toàn xứng đáng với lòng khâm phục và tự hào của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội