Không phải nơi nào cũng được tổ chức hoạt động trao đổi, mua bán ngoại tệ. Vậy, Tại Việt Nam thì được đổi ngoại tệ ở đâu hợp pháp? Cụ thể qua bài viết dưới đây.
Đổi ngoại tệ ở đâu? Những địa điểm được đổi ngoại tệ tại Việt Nam mới nhất
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013, có quy định:
- Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh này.
Theo Điều 3 Nghị định 89/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 23/2023/NĐ-CP quy định:
- Tổ chức tín dụng ủy quyền là tổ chức tín dụng được phép ủy quyền cho tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ hoặc làm đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, tổ chức tín dụng ủy quyền phải có trụ sở chính và/hoặc chi nhánh tại tỉnh biên giới trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
- Tổ chức kinh tế (không bao gồm tổ chức tín dụng) là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 16/2019/NĐ-CP quy định tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.
Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ:
- Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:
+ Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;
+ Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);
+ Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;
+ Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;
+ Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.
- Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ; tại nơi giao dịch phải có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ
- Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.
- Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép.
Như vậy, hiện nay chỉ có tổ chức tín dụng được phép, tổ chức kinh tế đáp ứng các điều kiện theo quy định mới được thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ.
Tại Việt Nam, các địa điểm đổi ngoại tệ phổ biến và hợp pháp nhất là tại các ngân hàng. Một số ngân hàng đổi ngoại tệ tại Việt Nam có tỷ giá ngoại tệ tốt nhất là: Vietcombank, Vietinbank, BIDV,Agribank…
Tỷ giá ngoại tệ (tỷ giá hối đoái) là gì?
Theo khoản 5 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.
Theo Điều 1 Quyết định 1747/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN (thay thế Quyết định 1636/QĐ-NHNN) quy định về tỷ giá giao ngay giữa Đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, như sau:
- Đối với Đô la Mỹ: Không được vượt quá biên độ ± 5% (năm phần trăm) so với tỷ giá trung tâm do NHNN Việt Nam công bố áp dụng cho ngày giao dịch đó.
- Đối với các ngoại tệ khác: Do tổ chức tín dụng được phép xác định
Theo đó, có thể kết luận tỷ giá hối đoái là tỷ lệ trao đổi đồng tiền, phản ánh mối quan hệ về mặt giá trị giữa đồng tiền hai nước. Tỷ giá giữa 02 loại tiền tệ là số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để trao đổi một đơn vị ngoại tệ. Tỷ giá này được hình thành dựa trên quy luật cung cầu của thị trường, có sự quản lý và điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ví dụ: ngày 07/6/2024, tỷ giá hối đoái (hay còn gọi là tỷ giá ngoại tệ) của USD với Đồng Việt Nam là 25.431 có nghĩa là 1 USD = 25.431 đồng hay 25.431 sẽ đổi được 1 USD.
Cách tính tỷ giá ngoại tệ mới nhất
Khi muốn xem 1 USD bằng bao nhiêu tiền Việt Nam, ta cần hiểu 2 khái niệm:
- Đồng yết giá là đồng tiền được tính là 1 đơn vị tiền tệ
- Đồng định giá là đồng có số đơn vị có thể thay đổi, phụ thuộc chủ yếu vào quan hệ cung - cầu trong thị trường ngoại hối
Theo đó, chẳng hạng 1 USD = 25.431 VNĐ, USD là đồng yết giá, còn VNĐ là đồng định giá. Dưới đây các các công thức tính tỷ giá ngoại tệ phổ biến:
- Cách tính tỷ giá của 2 đồng tiền định giá:
Yết giá/Định giá = (Yết giá/USD) / (Định giá/USD);
- Công thức tính tỷ giá của hai đồng tiền yết giá:
Yết giá/Định giá = (USD/định giá) / (USD/Yết giá);
- Công thức tính tỷ giá của hai đồng tiền yết giá - định giá
Yết giá/Định giá = (Yết giá/USD) / (USD/Định giá)
Như vậy, không phải tổ chức nào cũng được thực hiện hoạt động trao đổi, mua bán ngoại tệ. Người dân cần theo dõi quy định của pháp luật để không vi phạm vào những điều pháp luật không cho phép.