Tinh thần nhân đạo trong Bộ Luật Hồng Đức mà Danh nhân Nguyễn Duy Tiếu làm chủ biên
Năm 1483, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh cho Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu làm chủ biên, biên soạn Bộ luật Hồng Đức. Ông là người có nhiều công lao trong việc biên soạn và hoàn chỉnh các điều khoản của Bộ “Quốc triều Hình luật” hay còn được gọi là Luật Hồng Đức. Luật Hồng Đức là bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Lê sơ hiện còn được lưu giữ đầy đủ, bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau như: luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân-gia đình, luật hành chính.
Bộ luật Hồng Đức, dù ra đời trong bối cảnh Nho giáo độc tôn, đã chứa đựng nhiều quy định bảo vệ con người, nhất là những người ở tầng lớp thấp trong xã hội. Bộ luật này không phân biệt địa vị xã hội mà tập trung bảo vệ danh dự và nhân phẩm của con người. Một trong những đóng góp đáng kể của Nguyễn Duy Tiếu là việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, một đối tượng thường bị coi nhẹ trong xã hội phong kiến. Bộ luật Hồng Đức có nhiều điều khoản nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong các lĩnh vực như hương hỏa, tế lễ, thừa kế, và sở hữu tài sản.
Bộ luật Hồng Đức (Ảnh: Viện Hán Nôm).
Phụ nữ thời kỳ này, mặc dù theo phong tục phải lệ thuộc vào chồng, nhưng bộ luật đã ghi nhận sự độc lập nhất định của họ. Họ có quyền sở hữu tài sản riêng và quyền xin ly hôn trong một số trường hợp. Điều này được thể hiện rõ ràng qua Điều 308, cho phép người vợ ly hôn nếu chồng xa cách suốt 5 tháng mà không lui tới.
Ngoài ra, bộ luật cũng cấm các hành vi cưỡng ép phụ nữ kết hôn và bảo vệ họ trong trường hợp bị ép buộc. Điều 320 và Điều 338 quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những người ép gả phụ nữ trái ý muốn của họ. Bộ luật Hồng Đức đã đặt ra những quy định nghiêm khắc để bảo vệ phụ nữ khỏi các hành vi xâm phạm. Điều 403 và Điều 404 quy định các hình phạt nặng đối với tội hiếp dâm, gây thương tích, hoặc giết người phụ nữ. Thậm chí, ngay cả khi chồng đánh vợ, bộ luật cũng có những quy định xử lý cụ thể, bảo vệ phụ nữ khỏi bạo hành gia đình.
Ban thờ Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu tại đình Tây Am.
Ngoài ra, đối tượng trẻ em cũng được quan tâm bảo vệ. Từ thế kỷ XV, các điều luật quy định về tội quan hệ tình dục với trẻ em (được hiểu là tội ấu dâm) đã có. Chương Thông gian, Điều 4 ghi rõ: “Gian dâm với con gái nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, dù là người con gái thuận tình, cũng xử tội như tội hiếp dâm”. Đối với loại tội hiếp dâm, ngay Điều 3 trước đó đã vạch rõ khung hình phạt: “Hiếp dâm thì xử tội lưu hay tội chết và phải nộp tiền tạ nhiều hơn tiền tạ về tội gian dâm thường một bậc”. Khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm ấu dâm, cũng là hiếp dâm theo như “Quốc triều hình luật” nói tới, thấp nhất là “tội lưu”, nghĩa là kẻ có tội sẽ bị đày đi nơi xa. Và mức phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, kẻ phạm tội còn phải bồi thường cho nạn nhân một khoản tiền. Không chỉ thế, nếu khi phạm tội này, nghi phạm làm nạn nhân bị thương, sẽ bị xử nặng hơn tội đánh người bị thương một bậc. Còn nếu làm nạn nhân chết, thì điền sản của kẻ phạm tội phải trả cho người nhà nạn nhân.
Cốt cách đức độ và tiết tháo, hết lòng vì nhân dân
Tinh thần đạo đức và pháp trị trong bộ luật Hồng Đức đã gợi mở những bài học quý báu về quản trị quốc gia. Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu khẳng định nguyên tắc "thượng tôn pháp luật”, không ai nằm ngoài pháp luật, kể cả những người trong cơ quan nhà nước. Pháp luật không chỉ là công cụ quản lý xã hội mà còn là công cụ để nhân dân giám sát và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Khi ra làm quan, ông được vua rất trọng dụng bởi tài năng và cốt cách của ông. Tháng 3 năm Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6, đời vua Lê Thánh Tông (năm 1475), ông dự thi Hội. Tham gia kỳ thi cả nước có tới hơn 3.000 thí sinh, trải qua bốn trường thi chỉ chọn được 43 người vào thi Đình.
Đến ngày 11/5, cùng năm, nhà vua “ngự điện Kính Thiên, thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa để chọn thứ bậc”. Nguyễn Duy Tiếu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (lúc ông 19 tuổi). Khoa thi này có 27 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (ông được ghi tên thứ 3).
Bên ngoài đình Tây Am, nơi thờ Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu.
Đây là khoa thi thứ năm được tổ chức thời vua Lê Thánh Tông. Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu được Vua Lê Thánh Tông ban cấp cờ có thêu học vị và tấm biển sơn son thếp vàng mặt trước khắc hàng chữ: “Ân tứ vinh quy”, mặt sau khắc tên tuổi thứ hạng đỗ đạt đề tiến sĩ tân khoa cùng mũ áo, phẩm vật, vàng, bạc, lụa màu.
Ông được bổ nhiệm vào Đại lý tự, vinh dự được thăng chức Tự Khanh làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư (Tương đương với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ngày nay). Triều đình nhà Lê sắc lệnh cho địa phương, quê hương Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu tu sửa đường xá, dựng lên những nhà trạm để làm nơi nghỉ dọc đường về cho vị tân khoa.
Đóng góp cho quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng
Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu rất quan tâm đến việc xây dựng đình chùa và giúp đỡ người dân quê hương tại Tây Am, Vạn Hoạch, Đông Lại (nay thuộc địa phận Hải Phòng).
Khi trở lại Đông Kinh (Hà Nội) làm quan, ông đã tâu xin nhà vua chia làng Đoài thành 3 làng: Tây Am, Vạn Hoạch, Đông Lại (sự kiện diễn ra vào cuối thế kỷ XV, sau khi ông đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê). Do vậy, ở địa phương phải xây cống chung gọi là cống Ba làng “Tây Vạn Lại cống”. Cũng từ đó, có thông lệ “Sinh đồng cư, tử đồng táng”, tức là người dân gốc của 3 làng thì ở làng nào cũng được, khi chết thì chôn ở làng nào cũng được (không bị coi là chôn nhờ).
Sắc phong Thần cho Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu.
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ hai (1918) Triều đình nhà Nguyễn ban tặng sắc phong Thần cho Danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu là Trác vĩ - Dực Bảo Trung Hưng - Thượng Đẳng Thần. Hằng năm, nhân dân biết ơn, tổ chức cúng giỗ tri ân tưởng niệm ông vào ngày 30 tháng 5 âm lịch.
Bia đề danh tiến sĩ khoa thi năm 1475, có khắc tên và quê quán danh nhân Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu.
Ngày 14/12/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành quyết định công nhận Đình làng Tây Am thờ Danh nhân - Tiến sĩ Nguyễn Duy Tiếu là Di tích Lịch sử.
Tinh thần nhân đạo của Danh nhân Tiến Sĩ Nguyễn Duy Tiếu, qua những đóng góp cho Bộ luật Hồng Đức và những hành động thiết thực cho quê hương, đã để lại một di sản quý báu.
Những giá trị mà ông đem lại không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử mà còn gợi mở nhiều bài học cho việc xây dựng và quản lý xã hội hiện đại. Ông là tấm gương sáng về lòng nhân ái, trí tuệ và sự tận tâm với dân tộc, xứng đáng được kính trọng và noi theo.
Hiện tại, tên của ông còn được khắc trên Bia đề danh Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) là một trong 82 bia đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới, đang được trưng bày tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.