Tế bào miễn dịch gồm nhiều loại khác nhau, có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Vậy tế bào miễn dịch là gì? Cấu tạo tế bào miễn dịch như thế nào? Tác dụng của tế bào miễn dịch đối với cơ thể ra sao?
Tế bào miễn dịch là gì?
Tế bào miễn dịch (immune cell) là những tế bào của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng và một số bệnh khác. Các tế bào miễn dịch phát triển từ tế bào gốc trong tủy xương, sau đó trở thành các loại tế bào bạch cầu khác nhau.
Cấu tạo tế bào miễn dịch
Cấu tạo tế bào miễn dịch gồm có:
- Bạch cầu trung tính
- Bạch cầu ái toan
- Bạch cầu ái kiềm
- Tế bào mast
- Bạch cầu đơn nhân
- Đại thực bào
- Tế bào đuôi gai
- Tế bào diệt tự nhiên NK
- Bạch cầu lympho (tế bào lympho T và tế bào lympho B) [1]
Mỗi thành phần của tế bào miễn dịch có một vai trò riêng trong hệ thống miễn dịch, phối hợp với nhau tạo thành mạng lưới bảo vệ cơ thể trước các mối đe dọa bên ngoài. Hiểu rõ cách các tế bào miễn dịch phối hợp cùng nhau, các nhà nghiên cứu có thể phát triển phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng, thậm chí là điều trị ung thư.
Phân loại các tế bào miễn dịch
Tế bào miễn dịch của cơ thể gồm có 2 nhóm chính là tế bào miễn dịch bẩm sinh và tế bào miễn dịch thích ứng.
1. Tế bào miễn dịch bẩm sinh
Tế bào miễn dịch bẩm sinh (Innate Immune Cells) là nhóm tế bào có sẵn trong cơ thể, có khả năng đối phó nhanh chóng với mầm bệnh. Các loại tế bào thuộc nhóm này gồm: bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm, tế bào mast, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào, tế bào đuôi gai và tế bào diệt tự nhiên NK.
2. Tế bào miễn dịch thích ứng
Tế bào miễn dịch thích ứng (Adaptive Immune Cells) là nhóm tế bào có khả năng nhận biết mầm bệnh và “nhớ lại” chúng, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch cụ thể. Tế bào lympho B và tế bào lympho T là các loại tế bào miễn dịch thuộc nhóm này.
Chức năng của các loại tế bào miễn dịch trong cơ thể
Mỗi loại tế bào miễn dịch đảm nhiệm một chức năng khác nhau, góp phần nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân có hại.
1. Chức năng của tế bào miễn dịch bẩm sinh
1.1. Bạch cầu hạt
Bạch cầu hạt gồm có: Bạch cầu ái kiềm, bạch cầu ái toan và bạch cầu trung tính.
- Bạch cầu ái kiềm (basophil) và bạch cầu ái toan (eosinophil) giúp cơ thể chống lại ký sinh trùng, đồng thời tham gia vào các phản ứng dị ứng.
- Bạch cầu trung tính (neutrophil) chiếm 40-70% số lượng tế bào bạch cầu ở người [2]. Bạch cầu trung tính lưu thông trong máu, nếu phát hiện tế bào bất thường sẽ bắt giữ và tiêu diệt chúng trong túi nội bào.
1.2. Bạch cầu mono
Bạch cầu mono hoặc bạch cầu đơn nhân mono (monocyte) là loại bạch cầu lớn nhất có trong máu, đồng thời được tìm thấy trong các mô. Monocyte sau khi chuyển hóa thành đại thực bào có vai trò tuần tra và đáp ứng các kích thích miễn dịch.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, bạch cầu mono và đại thực bào sẽ phát tín hiệu thông báo cho các tế bào miễn dịch khác. Ngoài khả năng bắt giữ và tiêu diệt vi khuẩn, đại thực bào còn tham gia vào quá trình tái tạo tế bào chết, dọn sạch mảnh vụn tế bào còn sót lại, nhóm chức năng này diễn ra mà không cần kích hoạt phản ứng miễn dịch.
1.3. Tế bào đuôi gai
Tế bào đuôi gai (dendritic cell - DC) cũng có thể phát triển từ bạch cầu đơn nhân mono, là một tế bào trình diện kháng nguyên quan trọng trong hệ thống miễn dịch (antigen presenting cell - APC). Kháng nguyên là các phân tử từ mầm bệnh, tế bào chủ và chất gây dị ứng mà tế bào miễn dịch thích ứng có thể nhận biết.
Tế bào đuôi gai có trách nhiệm xử lý các phân tử lớn thành mảnh kháng nguyên nhỏ hơn để tế bào lympho B và tế bào lympho T có thể nhận biết, phản ứng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chỉ riêng kháng nguyên không thể kích hoạt các tế bào miễn dịch thích ứng, mà cần có sự hỗ trợ của MHC (một hệ thống phân tử chính xác) để tế bào miễn dịch có thể phân biệt giữa tế bào chủ và tế bào lạ.
1.4. Tế bào diệt tự nhiên (NK)
Tế bào diệt tự nhiên hoặc tế bào sát thủ tự nhiên (natural killer cell - NK) có tính chất của miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng, chịu trách nhiệm nhận diện và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus hoặc tế bào khối u. Bên trong tế bào diệt tự nhiên (NK) có các ngăn nội bào chứa protein có thể tạo thành lỗ trên tế bào mục tiêu và tiêu diệt chúng theo chương trình có sẵn.
Nhờ cơ chế hoạt động của tế bào sát thủ tự nhiên (NK), tế bào miễn dịch của cơ thể có khả năng loại bỏ tế bào gây hại mà không làm tổn thương các tế bào lành. Ngoài ra, tế bào NK cũng có khả năng “ghi nhớ” tác nhân gây hại và phản ứng với chúng trong lần tấn công tiếp theo.
2. Chức năng của tế bào miễn dịch thích ứng
2.1. Tế bào lympho B
Tế bào lympho B có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, đảm nhiệm 2 chức năng chính. Một là, trình bày kháng nguyên cho tế bào lympho T, kích thích và điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Hai là, tạo ra kháng thể để, tiêu diệt vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh.
2.2. Tế bào lympho T
Tương tự tế bào lympho B, tế bào lympho T cũng thuộc tế bào miễn dịch thích ứng, có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Tế bào lympho T được chia thành 2 loại chính: Tế bào T CD8+ và tế bào T CD4+. Cả 2 loại tế bào lympho T phối hợp với nhau để sản sinh kháng thể, điều hòa hoạt động của các tế bào miễn dịch khác.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tế bào miễn dịch
Chế độ ăn uống, tuổi tác, lối sống, sức khỏe tinh thần… có thể góp phần nâng cao hoặc làm suy yếu các tế bào miễn dịch. Để củng cố hệ thống miễn dịch và hạn chế bệnh tật, mọi người cần xây dựng tinh thần và thể chất lành mạnh.
1. Chế độ ăn uống
Thiếu hụt vitamin và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày sẽ khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, cản trở quá trình sản xuất kháng thể, không đủ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng tế bào miễn dịch. Ngoài ra, chế độ ăn chứa quá nhiều muối cũng làm suy yếu hệ miễn dịch.
Để nâng cao sức khỏe, thực đơn hàng ngày cần có đầy chủ chất đạm, chất xơ, chất béo tốt, vitamin, khoáng chất… Uống đủ nước mỗi ngày cũng là lưu ý quan trọng. Không nên tiêu thụ nhiều thực phẩm gây hại cho hệ miễn dịch như mì ăn liền, bia rượu, đồ chiên nhiều dầu mỡ…
2. Tuổi tác
Tuổi tác càng lớn, tế bào miễn dịch tự nhiên trong cơ thể càng suy yếu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bước qua tuổi 60, các tế bào miễn dịch dần mất khả năng liên kết với nhau. Vì vậy, người già dễ bị mắc bệnh, cơ thể cần có nhiều thời gian để phản ứng và đối phó với các tác nhân gây bệnh.
3. Lối sống
Người thường xuyên ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày sẽ bị suy yếu hệ miễn dịch và dễ mắc bệnh. Ngược lại, ngủ đủ giấc sẽ kích thích quá trình tạo ra tế bào lympho B, củng cố hệ miễn dịch, nâng cao hiệu quả chống lại các tác nhân gây bệnh.
4. Sức khỏe tinh thần
Stress, căng thẳng… cũng có thể ảnh hưởng tế bào miễn dịch. Người bị căng thẳng kéo dài khiến cho các tế bào miễn dịch của cơ thể kém nhanh nhạy trước tác nhân gây hại. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa.
Để được tư vấn về các nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch, bạn hãy liên hệ khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thông qua thông tin sau:
Có thể thấy, tế bào miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng trong việc nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại từ bên ngoài. Để nâng cao khả năng miễn dịch, mọi người cần ăn uống đủ dinh dưỡng, xây dựng lối sống lành mạnh và giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.