Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung quy hoạch, Hà Nội xác định cấu trúc phát triển với 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, cùng 5 vùng kinh tế - xã hội và 5 vùng đô thị.
Cụ thể, 5 vùng kinh tế - xã hội bao gồm vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô và vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị bao gồm đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc và đô thị phía Nam.
Quy hoạch nhấn mạnh mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế tài chính lớn của cả nước, đóng vai trò cực tăng trưởng và dẫn dắt kinh tế quốc gia, đồng thời tạo tầm ảnh hưởng trong khu vực.
>> Thưởng Tết ngành BĐS 2025: Nơi có lương tháng 13, nơi chỉ quà thay thưởng
Vị trí địa lý Thủ đô Hà NộiThành phố định hướng phát triển dựa trên mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và kinh tế chia sẻ, hướng đến trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu cả nước, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đến năm 2050, Hà Nội phấn đấu đạt mức sống và chất lượng cuộc sống cao, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện, hài hòa, có trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Thành phố sẽ là điểm kết nối toàn cầu, mang đặc trưng xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, trở thành nơi đáng đến, đáng sống và cống hiến.
Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 dự kiến đạt 13-13,5 triệu người, GRDP bình quân đầu người từ 45.000-46.000 USD, tỷ lệ đô thị hóa từ 80-85%. Trước đó, đến năm 2030, dân số thường trú dự kiến đạt 10,5 triệu người, tăng lên 12,5 triệu người vào năm 2045.
Về tổ chức không gian phát triển công nghiệp, Hà Nội sẽ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp ra khỏi khu vực nội đô, ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển không gian công cộng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, đồng thời hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghiệp dược phẩm.
Ảnh minh họaNgoài ra, thành phố sẽ khai thác giá trị đặc biệt của các khu vực như Hồ Tây, phố cổ, phố cũ và sông Hồng để phát triển các hoạt động du lịch văn hóa, lễ hội, âm nhạc, ẩm thực và các loại hình vui chơi giải trí gắn với kinh tế đêm.
Về giao thông vận tải, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến metro và 2 tuyến đường sắt nhẹ (monorail), trong đó ưu tiên các tuyến kết nối nội đô với cảng hàng không, khu công nghệ cao, các khu đô thị, đầu mối giao thông lớn và các điểm có nhu cầu di chuyển cao.
Quy hoạch cũng đề xuất nghiên cứu phương án kết nối mạng lưới đường sắt đô thị với một số trung tâm tỉnh trong vùng, đồng thời phát triển tổ hợp ga Ngọc Hồi với các chức năng như nhà ga, depot và trạm bảo dưỡng cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.
Về hàng không, Hà Nội sẽ nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với công suất phục vụ 60 triệu hành khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2030, tăng lên 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2050.
Thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai tại khu vực Đông Nam, Nam Thủ đô để đáp ứng nhu cầu phát triển sau năm 2030, đồng thời nâng cấp và bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự như Gia Lâm và Hòa Lạc.
Về bảo vệ tài nguyên nước, Hà Nội tập trung bảo vệ và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm tại các sông chính như Ngũ Huyện Khê, Nhuệ, Đáy, Cầu Bây, Tích, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét.
Đặc biệt, thành phố sẽ cải tạo mực nước sông Hồng nhằm tạo cảnh quan và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ cải tạo các khu chung cư cũ, xóa bỏ tình trạng nhà tự xây không theo quy hoạch, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Thành phố sẽ bảo tồn, chỉnh trang và cải tạo các khu phố cổ, khu kiến trúc kiểu Pháp, đồng thời khai thác không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông và dịch vụ đô thị.
>> Tỉnh sắp lên TP trực thuộc Trung ương kêu gọi đầu tư 4 khu công nghiệp mới