Thị trường vàng thế giới trong tuần này chứng kiến nhiều biến động. Bước vào tuần giao dịch mới, vàng tăng khoảng 1% và chạm mốc cao nhất trong hơn 2 tuần khi Trung Quốc công bố tiếp tục mua vàng sau 6 tháng tạm dừng. Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới càng tăng cao cũng tiếp thêm đà cho kim loại quý này.
Đà tăng của vàng duy trì vững chắc cho đến ngày 12-12 khi giới đầu tư đổ xô chốt lời. Trong phiên giao dịch cuối của tuần, giá vẫn tiếp đà giảm mạnh về mốc 2.650 USD/ounce sau khi báo cáo lạm phát được công bố. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay neo ở mức 2.648,5 USD/ounce, giảm 2,6 USD so với mức chốt phiên tuần trước.
Giá vàng thế giới neo gần 2.650 USD/ounce. Ảnh: Kitco
Trong bối cảnh sự chú ý của thị trường đổ dồn vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tuần tới, dữ liệu lạm phát mới nhất đã làm tăng thêm lo ngại chu kỳ nới lỏng của Fed có thể bị ảnh hưởng. Điều này đã kích hoạt đợt bán tháo lớn trên thị trường vàng. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này đã tăng 0,4% trong tháng 11, sau mức tăng 0,3% chưa được điều chỉnh được ghi nhận vào tháng 10. Trong 12 tháng qua, lạm phát đã tăng 3,0%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 2,5% của giới chuyên gia và mức 2,6% đã được điều chỉnh trong tháng 10.
Trong dự báo công bố vào đầu tuần này, các chuyên gia phân tích của Wells Fargo cho biết, Fed có thể sẽ chỉ tiến hành cắt giảm 1 lần lãi suất trong năm tới. Tương tự, Bank of America gần đây dự báo chỉ có 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Theo Giám đốc đầu tư Naeem Aslam của Zaye Capital Markets, các nhà đầu tư vàng nên chuẩn bị cho khả năng giá vàng suy yếu vào tuần tới khi Fed giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn còn "dai dẳng".
Chuyên gia phân tích thị trường Lukman Otunuga của FXTM có quan điểm trung lập về vàng trong ngắn hạn. Theo ông, hướng đi của kim loại quý này sẽ phụ thuộc lớn vào các thông điệp về chính sách mà các quan chức Fed sẽ truyền đi tại cuộc họp diễn ra vào tuần tới. Ông Otunuga nhấn mạnh, nếu Ngân hàng Trung ương Mỹ đưa ra quan điểm "diều hâu", điều đó sẽ làm hạn chế tiềm năng tăng giá của vàng khi các nhà đầu tư thu hẹp kỳ vọng về việc cắt giảm sâu hơn vào năm 2025. Ngược lại, nếu Fed để ngỏ khả năng mạnh tay nới lỏng vào năm tới, giá vàng có thể tăng trở lại lên mức 2.700 USD/ounce hoặc cao hơn.
Dù vẫn giữ quan điểm trung lập về vàng trong suốt năm 2024, nhưng Carley Garner, đồng sáng lập công ty môi giới DeCarley Trading, cho rằng, việc thị trường không thể duy trì mức tăng ổn định trên 2.700 USD/ounce cho thấy sự suy yếu. “Vào thời điểm này, tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để bán ra khi giá tăng trở lại” Garner nói.
Theo chiến lược gia Michele Schneider của Marketgauge, vàng đang trong mô hình giữ giá giữa 2.600 và 2.800 USD/ounce. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng thị trường đang "chờ đợi, như thường lệ". Về lâu dài, Schneider lưu ý rằng, lãi suất toàn cầu đang tiếp tục giảm, nợ toàn cầu tiếp tục tăng. Các yếu tố này sẽ là lực đẩy cho kim loại quý này.
Tuần tới, giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các ý kiến cùng quyết định chính sách của Fed và phát biểu của Chủ tịch Fed sau cuộc họp. Ngoài ra, thị trường cũng sẽ đón nhận các dữ liệu kinh tế quan trọng có thể tác động đến chu kỳ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Mỹ như số liệu bán lẻ của tháng 11, dữ liệu sản xuất và tăng trưởng quý III.
Phản ứng với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng mạnh vào đầu tuần và giảm trong các phiên còn lại. Cụ thể, đà tăng của vàng bắt đầu vào ngày 10-12, với giá vàng miếng một số thương hiệu tăng 900.000 đồng chiều mua và 400.000 đồng chiều bán, vàng nhẫn tăng mạnh nhất 900.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán. Đặc biệt, vào ngày tiếp theo, giá vàng miếng tăng hơn 1 triệu đồng lên 84,4 triệu đồng/lượng mua vào và 86,9 triệu đồng/lượng bán ra, vàng nhẫn cũng tăng mạnh nhất hơn 1 triệu đồng. Vào thứ Sáu, vàng đảo chiều lao dốc, với giá vàng miếng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu giảm 1 triệu đồng, vàng nhẫn các thương hiệu giảm trên 500.000 đồng.
Phản ứng với biến động trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước trong tuần qua biến động với biên độ lớn. Ảnh: vietnamnet.vnVào ngày 14-12, giá vàng miếng niêm yết ở mức 83,8 triệu đồng/lượng mua vào và 86,3 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng nhẫn mua vào trên 83 triệu đồng/lượng và bán ra gần 85 triệu đồng/lượng.
Lúc 14 giờ ngày 14-12, giá vàng miếng SJC neo ở mức 86,3 triệu đồng/lượng bán ra. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 4,7 triệu đồng/lượng.
TRẦN HOÀI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.