Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều đã nghe qua câu “của thiên trả địa” trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng, để hiểu một cách tường tận ý nghĩa cũng như nguồn gốc của câu nói này, thì chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
“Của thiên trả địa” là gì?
Nằm trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam, “của thiên trả địa” có nguồn gốc từ câu chuyện cổ tích với một thông điệp vô cùng ý nghĩa mà không phải ai cũng biết và hiểu rõ.
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu “thiên” chính là trời, mang ý nghĩa là cái chung, bất khả xâm phạm. Trong quan niệm văn hóa tâm linh của người dân “trời” còn được xem như bậc tối cao - đại diện cho tính thiêng, đụng đến “trời” là một việc vô cùng bất kính. Cụm “của thiên” trong câu thành ngữ mang nghĩa là “của trời”.
Tiếp theo, trong từ điển Hán - Việt “địa” có nghĩa là đất, là nơi muôn vật trong cõi đời đều sinh trưởng trên đó. Cụm từ “trả địa” có thể hiểu là “trả cho đất”.
Như vậy, cả câu thành ngữ “của thiên trả địa” mang tầng ý nghĩa đầu tiên (nghĩa đen) chính là của trời rồi cũng trả cho đất. Tầng nghĩa tiếp theo (nghĩa bóng) của câu thành ngữ mang thông điệp nhân văn đó là, những thứ không phải do mình tạo dựng làm ra, sớm muộn rồi cũng sẽ tan thành mây khói, không thể hưởng được lâu dài.
Ngoài ra, về mặt tư tưởng câu thành ngữ còn mang tính chất phê phán nạn tham ô, coi trọng tiền tài danh lợi mà quên đi tình nghĩa con người, đánh mất nhân tính. Đồng thời, nhắn nhủ con người nên sống hướng thiện, làm việc nhân nghĩa để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Của thiên trả địa” và câu chuyện cổ tích cùng tên
Câu thành ngữ “của thiên trả địa” có nguồn gốc từ chính câu chuyện cổ tích cùng tên. Câu chuyện cổ tích của thiên trả địa được tóm tắt như sau:
Nhân vật chính của câu chuyện là hai chàng trai tên là Thiên và Địa, cả hai đều làm nghề cày thuê cuốc mướn chung một làng.
Cả hai chàng trai đều rất nghèo và mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Thế nhưng, khác với chàng Địa hiền lành chân chất, Thiên vô cùng thông minh sáng dạ. Thấy vậy, một ngày Địa nói với Thiên sẽ cố gắng làm lụng để lấy tiền cho Thiên ăn học, chỉ mong rằng khi Thiên đỗ đạt thành tài đừng quên mình.
Trải qua 10 năm đèn sách được Địa tận lực đêm ngày làm thuê nuôi ăn học, cuối cùng Thiên cũng đậu được các khoa thi Hương - Hội - Đình và giành luôn chức Trạng Nguyên. Sau đó, hắn được vua cho làm quan to cai quản một vùng, có dinh thự nguy nga, kẻ hầu người hạ và được mọi người trọng vọng.
Địa sau khi hay tin bạn mình thành đạt thì vô cùng sung sướng, bán hết trâu và cày lẫn nhà cửa, lấy tiền mua đồ lễ để tìm gặp bạn. Thế nhưng, thế sự nào ngờ Thiên giờ đây thay lòng đổi dạ, không muốn nhận lại bạn cũ, thậm chí còn sai quân chặn cửa không cho Địa vào.
Quá tủi thân, Địa đi đến bên bờ sông bật khóc. Bụt thương xót hiện lên hóa phép giúp Địa trở thành người lái đò chở khách qua lại trên sông. Tuy không phải xin ăn nhưng nghề lái đò không thể dư giã, đến ngày giỗ cha Địa không có tiền làm cỗ.
Thấy Địa là người lương thiện, hiền lành, có lòng tốt bụng, Trời liền sai một tiên nữ hạ phàm xuống giúp đỡ, hóa phép biến túp lều của Địa đang ở thành một dinh cơ lộng lẫy, có đủ kẻ hầu người hạ, không thiếu thứ gì.
Sau khi hóa phép một bàn cỗ linh đình, tiên nữ liền bảo Địa nời Thiên đến nhà ăn cỗ. Tuy nhiên, với thói huênh hoang cao ngạo, Thiên đòi địa phải trải chiếu hoa trên dọc đường đi mới chịu đến.
Khi yêu cầu được đáp ứng, Thiên đến nhà Địa thấy nhà cửa mọi thứ đồ đạc của Địa đều sang trọng cao quý, còn có cả một cô vợ vô cùng xinh đẹp. Hắn nổi lòng tham liền nói với Địa sẽ nhường chức quan lẫn dinh cơ mình đang có cho Địa để đổi lấy ngôi nhà Địa đang ở cùng cô vợ của mình. Địa không đồng ý nhưng nàng tiên nói nhỏ vào tay Địa hãy cứ bằng lòng, mọi việc còn lại để nàng lo.
Sau khi ký tờ giao ước, Địa từ biệt vợ, lên võng về dinh cơ của Thiên, còn Thiên do say quá bèn ngủ một giấc li bì. Đến sáng hôm sau khi tỉnh lại chỉ thấy mình đang nằm trong một túp lều tồi tàn bên sông cùng tờ giao ước với Địa.
Từ đó hắn làm nghề chèo đò thay Địa. Còn Địa hóa ra thông minh khôn ngoan, làm quan sung sướng mãi.
Câu chuyện kết thúc có hậu, phù hợp với luật nhân quả và câu “của thiên trả địa” cũng do sự tích trên mà có.
Xem thêm: Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Đi một ngày đàng học một sàng khôn’ nói lên điều gì? Tìm lời giải đáp ý nghĩa câu thành ngữ 'Trăm hay không bằng tay quen' Giải thích ý nghĩa tục ngữ "Ăn cây nào rào cây ấy" là gì?
Bài học nhân văn rút ra từ thành ngữ “Của thiên trả địa”
Câu thành ngữ “của thiên trả địa” dường như đúng trong mọi thời đại (cả xưa lẫn nay) và trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Rõ ràng, trong xã hội hiện đại, khi tri thức và nhận thức của con người ngày càng được nâng cao, thì đâu đó vẫn còn một số người thích giành giật những thứ không thuộc về mình. Họ không hề biết rằng chỉ vì để thỏa mãn lòng hư vinh lẫn cái tôi của bản thân mà họ đã giết chết chính tương lai của mình.
Tình yêu, sự nghiệp, danh vọng, tiền tài là những thứ không phải dùng thủ đoạn tranh giành là có thể có được. Đúng như câu “của thiên trả địa”, thứ không phải của mình, dẫu có tìm đủ mọi cách cất giấu hoặc nâng niu thì đến một lúc nào đó chúng cũng sẽ biệt tăm biến mất.
Chỉ có sự cố gắng của bản thân, tự làm ra tiền, tự tạo dựng công danh sự nghiệp, xây dựng cơ ngơi từ chính sức lực của mình mới có thể ở lại bên cạnh ta mãi mãi.
Con người sống ở đời quý ở chỗ giàu mà có đức. Tiền tài cũng chỉ là vật ngoài thân, đến khi rời khỏi cõi hồng trần tất cả cũng chỉ là hư vô, không mang theo được bất kỳ thứ gì. Vậy nên đừng quá truy cầu mà dính mắc vào nó. Nên nhớ, những thứ có được quá dễ dàng cũng là những thứ không bền vững, lâu dài.
Cổ nhân có câu “Người vì tham tiền mà chết, chim vì tham ăn mà mất mạng”. Thế nên, với thông điệp nhân văn sâu sắc câu “Của thiên trả địa” càng giúp cho chúng ta hiểu thêm về lẽ sống nhân nghĩa ở đời, đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi danh dự, nhân phẩm của chính mình.
Đặc biệt, với những ai từng có những năm tháng đứng trên đỉnh cao quyền lực nhưng bị xoáy vào vòng danh lợi mù quáng để rồi rơi vào thảm cảnh “màn trời chiếu đất”, lúc đó mới càng thấm thía câu nói “của thiên trả địa” mà cổ nhân truyền dạy. Nên nhớ rằng, những người không làm lại muốn ăn ngon thì sớm muộn cũng đến lúc “của thiên trả địa”. Đó là luật nhân quả, cũng là lẽ công bằng ở đời.
Một số ca dao, thành ngữ, tục ngữ về luật nhân quả ở đời
Luật nhân quả là quy luật khách quan của sự sống. Có vay thì ắt sẽ có trả cũng giống như “của thiên trả địa” những cái không phải mình sớm muộn gì cũng sẽ rời bỏ mình mà thôi.
Dưới đây là một số câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ thể hiện rất rõ về quy luật nhân quả trong cuộc sống.
- Ác giả ác báo Ý nghĩa : Người làm điều ác thì trước sau gì cũng gặp quả báo.
- Đời cha ăn mặn, đời con khát nước Ý nghĩa : Cha mẹ làm điều ác, hậu quả chính là con cái gánh
- Ai ăn mặn, nấy khát nước Ý nghĩa : Người làm điều ác ắt sẽ chịu hậu quả.
- Cây khô không lộc, người độc không con Ý nghĩa : Người xưa quan niệm những người độc ác thì sẽ không có con.
- Ai làm người nấy chịu Ý nghĩa : Kẻ nào gây ra rắc rối, tai họa thì kẻ đó nhất định sẽ lãnh mọi hậu quả.
- Gieo gió gặt bão
- Gieo nhân nào gặt quả nấy Ý nghĩa : Gánh chịu tai họa do chính những việc làm của bản thân gây ra.
- Ở hiền gặp lành Ý nghĩa : Ăn ở hiền lành, tử tế thì sẽ gặp nhiều may mắn..